I Love Branding

I Love Branding

Wednesday, July 16, 2014

5 phương pháp cải thiện hình ảnh thương hiệu

Như đã biết, khách hàng khi mua sản phẩm, không phải vì sản phẩm đó mà là vì niềm tin mà sản phẩm mang lại. Niềm tin đó bắt nguồn từ thương hiệu. Vì vậy nếu thường xuyên cải thiện và tăng cường quảng bá hình ảnh thương hiệu, doanh nghiệp sẽ đem đến cho người tiêu dùng cái nhìn tích cực hơn về những sản phẩm (hoặc dịch vụ) đang cung cấp. Đó thực sự sẽ là những cú hích mang người tiêu dùng đến gần hơn với doanh nghiệp.
1.Sự nhất quán
Để ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng cần phải thể hiện sự khác biệt so với những thương hiệu khác. Sự khác biệt càng rõ ràng thì sự nhận diện càng cao và thông qua nó người tiêu dùng có sự liên tưởng tức thì đến thương hiệu. Khi đã khác biệt thì sự nhất quán là vô cùng cần thiết. Nhất quán về tên, logo, slogan, màu sắc… từ website cho đến bao bì sản phẩm, đồng phục nhân viên hay thiết kế văn phòng… Trước khi tiếp xúc với khách hàng, hãy kiểm tra tất cả những “sứ giả” của công ty bạn để chắc chắn rằng tất cả chúng đều là “người một nhà”.
Khi nhắc đến KFC, có phải người tiêu dùng sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh một “ông già rán gà” hiền hậu hay là một màu đỏ ấm áp hiện diện từ logo đến màu sơn trên tường? Và các sản phẩm của Apple thì sao, luôn có một chữ “I” đằng trước: Iphone, Ipad, Ipod…

Không chỉ nhất quán về mặc hệ thống nhận diện mà còn cả về mặt thông điệp sản phẩm truyền tải. Đó như là lời cam kết với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ không thay đổi.
Các nhãn hiệu mạnh trên thế giới đều ý thức được vai trò của tính nhất quán trong sự thành công của nhãn hiệu mình. Thương hiệu trang sức đắt đỏ Cartier không bao giờ đi lệch khỏi phong cách cổ điển tinh vi ngay cả khi tạo ra các sản phẩm mới. Còn hãng máy tính Apple luôn luôn sáng tạo từ những kiểu dáng độc đáo đến những sáng chế của hãng này dành riêng cho ngành truyền thông và xuất bản. Trường hợp của ca sĩ Madonna cũng không ngoại lệ. Sự hứa hẹn giá trị của danh ca này chính là “sự thay đổi” và đó cũng là những gì người hâm mộ mong đợi ở cô ấy. Do đó, luôn luôn thay đổi hình tượng của mình,đó chính là tính nhất quán của cái tên “Madonna”.
2.Hãy trung thực
Khách hàng tuyệt đối không thích bị dắt mũi bởi những lời nói phóng đại về sản phẩm. Một chút khoa trương là cần thiết để gây chú ý nhưng có thể sẽ mang lại những hệ lụy, hậu quả vô cùng to lớn nếu bị lạm dụng dù chỉ một lần. Hãy nói đúng thực tế với khách hàng. Hãy nhớ rằng các sản phẩm hoặc dịch vụ chỉ thực sự trở thành thương hiệu khi mọi người tin vào những gì sẽ xuất hiện khi họ đối diện với chúng..

Như trường hợp của Coca- Cola, một bài học ảnh hưởng không nhỏ đến tên tuổi của thương hiệu nổi tiếng này. Khi mà Coca-Cola với tuyên ngôn về sản phẩm nước cam của mình là “nước cam ép nguyên chất 100%” và “hoàn toàn tự nhiên”. Tuy nhiên, hương vị thực sự của Simply Orange chỉ là các hương liệu hóa học đã qua quá trình chế biến kỹ càng chứ không hề “tinh khiết” hay “tự nhiên”. Coca-Cola tiếp tục khiến người tiêu dùng “hiểu nhầm” về chất lượng của nước giải khát vị cam Minute Maid Premium và Minute Maid Pure Squeezed. Bức xúc trước kiểu kinh doanh “treo đầu dê bán thịt chó này”, những người tiêu dùng cho rằng quảng cáo như vậy là lừa đảo và người tiêu dùng từ nhiều bang của Mỹ như New York, New Jersey, California, Florida, Illinois, Missouri…  đã gửi đơn khiếu nại lên tòa án thành phố Kansas hồi tháng 8/2012.
3.Tập trung vào dòng sản phẩm hay dịch vụ chuyên biệt
Sự dàn trải sẽ không bao giờ để lại dấu ấn nhất định trong lòng khách hàng. Chính vì vậy cần sáng suốt tập trung nguồn lực vào việc giành được một phân khúc thị trường nhỏ trong một thời gian chứ đừng cố gắng lôi kéo tất cả mọi người bất cứ lúc nào. Hãy tập trung xây dựng sản phẩm dành cho các nhóm khách hàng đặc trưng (có những nhu cầu chuyên biệt khác nhau).
Các nhà sản xuất xe hơi trên thế giới đều vận dụng chiêu thức này khi thiết kế ra những mẫu xe thu hút từng phân khúc khách hàng khác nhau. Họ cố gắng tuân thủ các nguyên tắc thiết kế và đổi mới công nghệ để tôn vinh giá trị thương hiệu, nhưng đồng thời luôn tập trung cho vài phân khúc riêng biệt nhằm làm hài lòng các khách hàng cũ và tìm kiếm thêm khách hàng mới.
4.Tạo sự gắn kết
Cảm xúc luôn là sợi dây kết nối dễ gây thiện cảm. Chính vì vậy, nếu thương hiệu có thể khơi dậy một nguồn cảm xúc cho khách hàng thì thực sự đã thành công. Những bộ phim nhiều kịch tính được nhắc đến thường xuyên chỉ vì chúng gây ra xúc cảm mạnh cho người xem. Với thương hiệu cũng tương tự. Doanh nghiệp sẽ gắn kết với những giá trị cảm xúc của khách hàng theo hướng lành mạnh và tích cực nhất khi chủ động chia sẻ những rắc rối của khách hàng và giúp họ tìm ra hướng giải quyết.

Omo luôn thực hiện rất tốt việc này. Với những TVC đánh vào trẻ con hiếu động, làm việc tốt ngày Tết không ngại lấm bẩn… đã rất thành công trong việc lấy lòng người tiêu dùng.
5.Đặc biệt và độc đáo
Một sản phẩm hay dịch vụ sẽ không dễ dàng trở thành thương hiệu nếu chỉ sở hữu những yếu tố thông thường vốn quá quen thuộc với người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải luôn chạy đua với những đối thủ cạnh tranh khác, cho nên hãy cố gắng làm cho sản phẩm hoặc dịch vụ đặc biệt hơn, mới lạ và độc đáo hơn. Trong quá trình cố gắng sáng tạo, cũng cần thường xuyên tự kiểm tra để không bị lệch hướng và làm mất đi yếu tố khả thi.
Trong lĩnh vực sản xuất máy tính, Apple đã tính toán rất kỹ lưỡng và quyết tâm tạo ra những sản phẩm có khả năng nâng cao hơn hẳn mức độ trải nghiệm của người sử dụng. Vì thế những mẫu máy tính của họ đều độc đáo, vượt trên các đối thủ sừng sỏ khác, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Sau đó, họ còn phải liên tục duy trì sự khác biệt ấy để giữ dấu ấn đặc biệt ấy trong tâm trí khách hàng.
Thúy Biên
Nguồn: Bansacthuonghieu

No comments:

Post a Comment